Hội thảo xây dựng mô hình khuyến ngư trên vùng biển trao quyền đồng quản lý nguồn lợi thủy sản.
Hội thảo “Xây dựng mô hình khuyến ngư trên
vùng biển trao quyền đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hàm Thuận Nam”
Vừa qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa phối hợp với Phòng Nông
nghiệp và PTNT huyện cùng với Trung tâm Phát triển nghề cá Vịnh Bắc Bộ, tổ chức
hội thảo “Xây dựng mô hình khuyến ngư trên vùng biển trao quyền đồng quản
lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hàm Thuận Nam” tại UBND xã Tân Thuận.
Hội thảo tập trung trao đổi, tranh thủ ý kiến
của các chuyên gia và nhà quản lý trong việc tổ chức cộng đồng xây dựng mô hình
khuyến ngư nuôi biển (cá, hải đặc sản), bảo vệ, khoanh nuôi tái tạo tự nhiên và
khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản trong vùng biển trao quyền đồng quản lý tại
huyện Hàm Thuận Nam.
Đến tham dự và phát biểu chỉ đạo có ông Nguyễn
Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Trung tâm Phát triển
nghề cá vịnh Bắc Bộ, đại diện Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam; các Giáo sư, Phó
Giáo sư đầu ngành đến từ Viện Hải dương học Nha Trang; Viện nghiên cứu Hải sản;
lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Hội nghề cá tỉnh, lãnh đạo địa phương cùng hơn 50
hội viên Hội cộng đồng ngư dân 3 xã ven biển đã được trao quyền: Tân Thuận, Tân
Thành, Thuận Quý.

Tại hội thảo, các báo cáo đã thể hiện bước đầu
thành công của mô hình đồng quản lý; kết quả điều tra tham vấn 3 Hội cộng đồng
ngư dân đang thực hiện mô hình: Thuận lợi của 3 Hội cộng đồng này là được tập
huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách pháp luật của Nhà nước; giúp các
hội viên ý thức hơn về việc khai thác, đánh bắt có chọn lọc và bảo vệ vùng biển
được trao quyền của mình. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhằm duy trì sinh kế cho
các Hội cộng đồng này, các tổ chức chính trị xã hội, các quỹ từ thiện đã triển
khai nhiều chương trình, dự án: Hỗ trợ giống sò lông (dự án UNDP và Chi cục
Thủy sản, Hội nghề cá), hỗ trợ thả bù ở các vị trí quan trọng của vùng biển
quản lý, mô hình cội chà cải tiến của Trung tâm Khuyến nông,…Tuy nhiên, vẫn
chưa có mô hình nuôi trồng thủy sản trên biển nào hỗ trợ cho Hội cộng đồng nhằm
tạo bước phát triển kinh tế lâu dài; chưa có các chương trình nhằm tái tạo
nguồn lợi, khoanh vùng nuôi cũng như bố trí khu vực nuôi phù hợp nhằm ổn định
sinh kế và thuận lợi trong công tác quản lý và bảo vệ.
Đại diện các hộ dân cũng đã tham gia
trao đổi những kinh nghiệm trong thời gian thực hiện mô hình; đồng thời cũng
trình bày chia sẽ những kiến nghị gửi đến các cấp, các ngành, các chuyên gia về
những thách thức khó khăn trong công tác thực hiện và kiến nghị những vấn đề
sắp tới nhằm tạo sinh kế bền vững: Tiếp tục quan tâm đến hoạt động của Hội cộng
đồng, hoạch định các mô hình khuyến ngư phát triển kinh tế cho hội viên, bố trí
sản xuất kinh tế phù hợp hài hòa giữ các chủ thể cùng nhau phát triển,…
Các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành về
nuôi biển cùng đội ngũ tham vấn và các hộ ngư dân đã đi khảo sát thực tế vùng
biển đang được thực hiện đồng quản lý. Tại đây các chuyên gia đã có những đề
xuất các mô hình kinh tế phù hợp nhất cho vùng nuôi, các nghiên cứu mang tính
khoa học sẽ được triển khai tiếp theo để đánh giá các nguy cơ rủi ro có thể
phát sinh trong thời gian tới.